...

[Tp.HCM] Chuỗi lớp đào tạo kỹ năng Luật sư về "Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế"

29 Tháng 10, 2019

Vào ngày 28/9/2019 vừa qua tại TP.HCM và TP. Biên Hòa – Đồng Nai, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tổ chức 2 Hội nghị xoay quanh các vấn đề liên quan đến tranh chấp đầu tư quốc tế và kỹ năng cho Luật sư.

[Tp.HCM] Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề Luật sư 2019

Hội nghị diễn ra trong 2 phiên đã thu hút sự tham gia của gần 400 luật sư trên địa bàn Tp.HCM.

Trong phiên đầu hội nghị, Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ những vấn đề liên quan đến các loại tranh chấp thương mại quốc tế, mối quan hệ giữa các loại hình và vai trò của luật sư. Theo nhận định của Luật sư, tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh từ xung đột giữa cơ quan nhà nước với Nhà đầu tư nước ngoài và có “cội rễ” từ chính các tranh chấp thương mại. Để làm rõ hơn, Luật sư đưa ra các thực tiễn xét xử có liên quan tại VIAC, theo đó, tác động của một quyết định/ hành vi hành chính từ phía cơ quan nhà nước trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng hoặc một cản trở phát sinh tại thời điểm thi hành phán quyết là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tranh chấp thương mại chuyển đổi sang tranh chấp đầu tư quốc tế. Sự “chuyển hóa” tranh chấp này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp cũng như quốc gia nước sở tại (trường hợp bị khởi kiện), do đó, với vai trò là người hỗ trợ cho doanh nghiệp, Luật sư cần phải chuẩn bị những kỹ năng cần thiết ở từng giai đoạn “Trước - Trong - Sau” nhằm đảm bảo quyền lợi cho thân chủ. Việc xây dựng chiến lược tư vấn, tranh tụng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là ở giai đoạn chuyển tiếp loại tranh chấp. Theo đó, Luật sư cần có những phân tích, nhận định tầm xa đối với những dạng tranh chấp có khả năng chuyển thành tranh chấp đầu tư quốc tế. Cần phải nhìn nhận thực tế là,  tranh chấp đầu tư quốc tế không chỉ ảnh hưởng đối với Chính phủ nước sở tại về chi phí tham gia vụ kiện mà còn tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế giữa các quốc gia, do đó Luật sư định hướng những phương án phù hợp để hạn chế việc NĐT kiện cơ quan nhà nước.

Tiếp nối hội nghị, Luật sư Phùng Anh Tuấn – Managing Partner của VCI Legal – Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), với kinh nghiệm nghiên cứu về tranh chấp đầu tư quốc tế và sự kiện Việt Nam liên tiếp trở thành thành viên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định đầu tư song phương (BIT), Luật sư đã khái quát về các Hiệp định đầu tư và quy tắc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ISDS ở các hiệp định trên. Qua so sánh về quy định giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ISDS ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định đầu tư song phương (BIT), luật sư nhận định ISDS là “tấm vé bảo hộ” cho Nhà đầu tư khi đầu tư vào một quốc gia là thành viên của các hiệp định nói trên. Đồng thời, việc so sánh định nghĩa “Nhà đầu tư”, “Khoản đầu tư” ở mỗi hiệp định giúp các luật sư tham dự hội nghị phân định đúng chủ thể, đối tượng của các bên trong tranh chấp đầu tư quốc tế. Trên cơ sở xu hướng sử dụng phương thức thương lượng, hòa giải đối với các tranh chấp đầu tư quốc tế hiện nay, Luật sư đã đưa ra những ưu điểm của loại hình giải quyết tranh chấp này. Ngoài việc tiết kiệm được khoản chi phí không cần thiết khi phải hầu kiện, Chính phủ còn giữ được mối quan hệ tốt với Nhà đầu tư và góp phần duy trì quan hệ giữa các Chính phủ với nhau, không gây xung đột lợi ích các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương thức giải quyết thương lượng, hòa giải cũng đạt hiệu quả, chính vì vậy Luật sư nhấn mạnh khi quyết định đưa vụ việc ra Tòa án hoặc Trọng tài thì thời hiệu yêu cầu tham vấn/ khởi kiện là điều kiện tiên quyết tiến hành tố tụng. Nếu hết thời hạn khởi kiện thì thiệt hại sẽ rất lớn đối với Nhà đầu tư khi không thể kiện Chính phủ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo hộ đối với nhà đầu tư.

[Tp. Biên Hòa – Đồng Nai] HỘI NGHỊ TẬP HUẤN PHÁP LUẬT VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ VÀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Trong buổi hội nghị ở Tp. Biên Hòa với sự tham gia của gần 200 luật sư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Luật sư Châu Huy Quang – Giám đốc điều hành Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chia sẻ với các luật sư những vấn đề liên quan đến các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đầu tư quốc tế và cách thức phòng ngừa.

Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, một số lượng lớn các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BIT) và các Hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) có chứa các chương về bảo hộ đầu tư – được gọi chung là các Hiệp định đầu tư quốc tế (IIAs) được ký kết. Nhằm giúp các luật sư hiểu rõ  về bảo hộ đầu tư và đầu tư quốc tế, Luật sư Châu Huy Quang đã khái quát về đặc điểm các hiệp định đầu tư nói trên. Hiệp định là thỏa thuận giữa các quốc gia vì vậy phải tuân thủ pháp luật quốc tế công và thỏa thuận trọng tài được quy định trong hiệp định. Hỗ trợ phần trình bày của Luật sư Châu Huy Quang, Luật sư Logan Leung, Luật sư thành viên Công ty Luật Rajah & Tann đã đưa ra những nguyên tắc bảo vệ Nhà đầu tư điển hình hiện nay từ các hiệp định bao gồm: đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo vệ và bảo đảm toàn diện, bảo vệ khỏi sự tước đoạt, đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc. Để làm rõ những nguyên tắc trên, Luật sư đã lồng ghép tình huống thực tiễn của các quốc gia trên thế giới vào bài trình bày. Đồng thời, ông cũng đề cập đến vai trò của Luật sư trong một số vụ kiện, luật sư cần có những phán đoán, nhận định chính xác trước tình tiết, diễn biến tranh chấp.

Theo nhận định của LS Châu Huy Quang, các Hiệp định đầu tư chưa hoàn toàn được sử dụng tối đa và đó là nguyên nhân xảy ra tranh chấp. Các hiệp định đầu tư thường đưa ra cách tiếp cận theo từng bước: Tham vấn bắt buộc/ Giai đoạn đàm phán, nếu không thành công thì lựa chọn khởi kiện tại tòa án/ cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại trọng tài. Trong đó, hầu hết các vụ việc trọng tài về hiệp định đầu tư được tiến hành tại Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư thành lập bởi Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các Quốc gia và Công dân của các Quốc gia khác (ICSID) hay Quy tắc Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Sử dụng phương thức Trọng tài đầu tư có những ưu thế nhất định, thứ nhất không bị kháng cáo hoặc xem xét bởi các tòa án quốc gia, thứ hai phán quyết yêu cầu phải bồi thường bằng tiền phải được công nhận và thi hành như thể là phán quyết cuối cùng của tòa án trong nước. Đối với ICSID thì chỉ cho phép xem xét lại các phán quyết bằng cách giải thích, sửa đổi và hủy bỏ mà không có quyền sửa đổi phán quyết dựa trên lẽ phải trái hoặc xét xử lại vụ án dựa trên bằng chứng. Nhằm đảm bảo tính thực tiễn cao, Luật sư Châu Huy Quang  đã đưa vào bài trình bày thực trạng đầu tư tại một số tỉnh của Việt Nam, khi mà hiện nau vấn đề tranh chấp đầu tư cũng dần tăng lên.

Sau phần trình bày của các báo cáo viên ở hai hội nghị, nhiều câu hỏi từ phía các Luật sư được đặt ra và giải đáp chi tiết, hiệu quả. Các Báo cáo viên đồng thời cũng đưa ra nhiều lời khuyên, hướng dẫn cho người tham dự nhằm định hướng tốt hơn vai trò của Luật sư, đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả, kịp thời.

Thông qua buổi hội nghị tại 2 tỉnh thành, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Sở Tư pháp và Đoàn luật sư Tp.HCM, tỉnh Đồng Nai mong muốn các Luật sư tham dự có những góc nhìn mới, những kinh nghiệm quý giá trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và tranh chấp đầu tư quốc tế nói riêng. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI